Đô la Mỹ

Đô la Mỹ
$
Đồng đô la Mỹ hay Mỹ kim, USD (United States dollar), còn được gọi ngắn là "đô la" hay "đô", là đơn vị tiền tệ chính thức của Hoa Kỳ. Nó cũng được dùng để dự trữ ngoài Hoa Kỳ. Hiện nay, việc phát hành tiền được quản lý bởi các hệ thống ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve). Ký hiệu phổ biến nhất cho đơn vị này là dấu $. Mã ISO 4217 cho đô la Mỹ là USD; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dùng US$. Trong năm 1995, trên 380 tỷ đô la đã được lưu hành, trong đó hai phần ba ở ngoài nước. Đến tháng 4 năm 2004, gần 700 tỷ đô la tiền giấy đã được lưu hành, trong đó hai phần ba vẫn còn ở nước ngoài.

Nước Mỹ là một trong một số quốc gia dùng đơn vị tiền tệ gọi là đô la. Một vài quốc gia dùng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ chính thức, và nhiều quốc gia khác cho phép dùng nó trong thực tế (nhưng không chính thức). Xin xem đô la.

Đồng đô la Mỹ thông thường được chia ra thành 100 cent, (ký hiệu ¢). Trong một cách chia khác, có 1.000 min (mill) trong mỗi đô la; thêm vào đó, 10 đô la còn được gọi là Eagle (đại bàng). Tuy nhiên, chỉ có đơn vị xu mới được dùng rộng rãi; dân chúng Mỹ ít nghe đến "eagle" hay "mill", tuy mill có khi được dùng trong việc thu thuế. Trong tiền được lưu hành, các đơn vị ít hơn hoặc bằng 1 đô la được phát hành với dạng tiền kim loại trong khi các đơn vị nhiều hơn hoặc bằng 1 đô la được phát hành với dạng tiền giấy (đơn vị 1 đô la có thể theo dạng tiền giấy hay tiền kim loại, nhưng tiền giấy được lưu hành hơn nhiều). Trước đây, tiền giấy đôi khi được phát hành cho các đơn vị ít hơn 1 đô la, và tiền đúc bằng vàng đã được phát hành cho các đơn vị tới 20 đô la.

Tiền kim loại được đúc bởi Sở đúc tiền Hoa Kỳ (United States Mint). Tiền giấy được in bởi Cục Khắc và In (Bureau of Engraving and Printing) cho Cục Dự trữ Liên bang từ năm 1914. Chúng được bắt đầu in giấy bạc cỡ lớn, nhưng từ năm 1928 đã đổi thành cỡ nhỏ, không biết vì lý do gì.

Tiền giấy trên 100 đô la không còn được in nữa sau 1946 và đã chính thức ngưng lưu hành trong năm 1969. Những tờ tiền giấy này thường được dùng bởi các ngân hàng để trao đổi với nhau hay bởi các thành phần tội phạm có tổ chức (vì lẽ này mà tổng thống Richard Nixon đã đưa ra lệnh ngừng lưu hành). Sau khi việc trao đổi tiền điện tử được ra đời, chúng trở thành dư thừa. Các đơn vị tiền lớn đã được phát hành gồm có $500, $1.000, $5.000, $10.000 và $100.000.

Các loại tiền giấy đôla Mỹ có chung dạng trang trí, chung màu sắc (đen bóng mặt trước và xanh lá cây mặt sau) có cùng kích thước (156 x 66 mm) cho dù chúng có giá trị khác nhau, từ 1 USD trở lên. Mỗi loại tiền giấy, ứng với một mệnh giá, hầu hết mang hình một tổng thống Mỹ theo đúng quy định.

Quốc gia
  • Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh
    Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm trong lòng Ấn Độ Dương, ở giữa châu Phi và Indonesia. Nơi đây có một tiềm năng du lịch phong phú với 6 đảo san hô vòng trong số hơn 1000 đảo có người ở thuộc quần đảo Chagos.

    Diego Garcia là đảo lớn nhất của vùng lãnh thổ này. Ngày nay, nó được dùng làm nơi chứa các vũ khí trang thiết bị quân sự cho quân đội Mỹ và Anh.
  • Bermuda
    Bermuda (phát âm là Bờ-miu-đờ hay được biết đến là Béc-mu-đa; hoặc Đảo Somers) là một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm trong Bắc Đại Tây Dương. Nằm về phía bờ đông Hoa Kỳ, cách khoảng 1770 km về phía đông bắc của Miami, Florida và 1350 km (840 mi) về phía nam của Halifax, Nova Scotia. Cách Bermuda gần nhất (đất liền) là Cape Hatteras, Bắc Carolina, khoảng 1030 km (640 mi) về phía tây-tây bắc. Nó là lãnh thổ hải ngoại còn lại của Anh lâu đời nhất và đông dân cư nhất, được Anh quốc định cư một thế kỷ trước khi có Đạo luật Liên minh tạo nên Vương quốc Anh.

    Mặc dù thường được diễn tả bằng số ít trong tiếng Anh, lãnh thổ bao gồm khoảng 138 đảo, với tổng diện tích là 53,3 km² (20,6 sq. mi.). Liệt kê các đảo này thường rất phức tạp, vì nhiều đảo có nhiều hơn một tên (cũng như toàn bộ quần đảo, ngoài hai tên chính, còn được biết đến với các tên "La Garza", "Virgineola", và "Đảo Quỷ"). Mặc cho diện tích đất hạn chế, vẫn có xu hướng có nhiều tên nơi chốn được lặp lại; ví dụ, có hai đảo có tên "Long Island", ba vịnh có tên "Long Bay" và thị trấn St. George nằm trong khu St. George trên đảo St. George (mỗi cái được biết đến với tên St. George's), trong khi thủ đô của Bermuda, Thành phố Hamilton, nằm ở Khu Pembroke, chứ không phải khu Hamilton, trên hòn đảo lớn nhất, "Đảo Chính", mà đôi khi còn được gọi là "Bermuda" (hay "Bermuda Lớn").
  • Caribe thuộc Hà Lan
    Caribe thuộc Hà Lan (Caribisch Nederland, tiếng Papiamento: Hulanda Karibe) là tên gọi chung cho ba hòn đảo tự trị thuộc Hà Lan tại khu vực biển Caribe ở châu Mỹ là Bonaire, Sint Eustatius và Saba. Những đảo này còn được gọi là quần đảo BES. BES là từ viết tắt dùng để chỉ các chữ cái đầu tên trong tên của các hòn đảo. Từ 10 tháng 10 năm 2010, các hòn đảo này trở thành một bộ phận thuộc Hà Lan. Trước đó, các đảo là một bộ phận của Antille thuộc Hà Lan, nguyên là một quốc gia cấu thành của Vương quốc Hà Lan.

    Bonaire (bao gồm cả đảo nhỏ Klein Bonaire) nằm về phía đông của Aruba và Curaçao, gần bờ biển Venezuela. Sint Eustatius và Saba nằm phía nam của Sint Maarten và phía tây bắc của Saint Kitts và Nevis. Ba hòn đảo có tình trạng chính trị như hiện tại sau khi Antille thuộc Hà Lan giải thể vào ngày 10 tháng 10 năm 2010. Tổng dân sốlà 18.000 người dân và diện tích là 328 km ² (127 sq mi) tương ứng với khoảng 1/1000 dân số và 1/100 diện tích của phần đất Hà Lan ở Châu Âu. Múi giờ là UTC -4; mã quốc gia là 599, dùng chung với Curaçao và Sint Maarten. Điểm cao nhất là Núi Scenery cao 877 m tại Saba, đây cũng là điểm cao nhất Vương quốc Hà Lan. Các đảo có khí hậu nhiệt đới quanh năm.
  • Quần đảo Turks và Caicos
    Quần đảo Turks và Caicos (tiếng Anh: Turks and Caicos Islands, (phiên âm theo IPA: [ˈtɜːks ænd ˈkeɪkəs]) là một vùng lãnh thổ nằm trong quần đảo Antilles (hay còn gọi là quần đảo Caribe) thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Diện tích nơi đây vào khoảng 497 km² (xếp hạng 199 thế giới); dân số xấp xỉ 21.726 người (xếp hạng 208 thế giới).

  • Quần đảo Virgin thuộc Anh
    Quần đảo Virgin (Virgin Islands), thường gọi là Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands), là một lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh nằm tại khu vực Caribe, ở phía đông của Puerto Rico. Lãnh thổ này cấu thành bộ phận của quần đảo Virgin; các đảo còn lại trong quần đảo cấu thành quần đảo Virgin thuộc Mỹ và quần đảo Virgin Tây Ban Nha (hiện là bộ phận của Puerto Rico).

    Quần đảo Virgin thuộc Anh gồm các đảo chính là Tortola, Virgin Gorda, Anegada, và Jost Van Dyke, cùng với trên 50 đảo nhỏ khác, tổng cộng có khoảng 15 đảo là có người định cư. Thủ phủ của lãnh thổ là Road Town, nằm trên đảo lớn nhất lãnh thổ là Tortola. Dân số hiện tại của Quần đảo Virgin thuộc Anh là 30.628 người vào ngày 16 tháng 08 năm 2022, Trong đó dân số của Tortola là 23.908 người.
  • Quần đảo Virgin thuộc Mỹ
    Quần đảo Virgin thuộc Mỹ là một nhóm đảo nằm trong vùng Caribe và là một vùng quốc hải Hoa Kỳ. Về mặt địa lý, quần đảo này là một phần của chuỗi quần đảo Virgin và nằm trong Quần đảo Leeward thuộc nhóm Tiểu Antilles. Quần đảo Virgin thuộc Mỹ bao gồm bốn đảo chính St. Croix, Saint John, St. Thomas và Đảo Water, cùng nhiều đảo nhỏ hơn. Đây là nơi duy nhất của Hoa Kỳ mà xe cộ lưu thông bên trái. Tổng diện tích toàn lãnh thổ là 346,36 km² (133,73 dặm vuông). Theo điều tra dân số năm 2000, dân số của quần đảo là 108.612.

    Quần đảo từng là Tây Ấn thuộc Đan Mạch cho đến khi Đan Mạch nhường lại thuộc địa này cho Hoa Kỳ trong Hiệp ước Tây Ấn thuộc Đan Mạch năm 1916.
  • Các tiểu đảo xa của Hoa Kỳ
    Các tiểu đảo xa của Hoa Kỳ (United States Minor Outlying Islands), tên chọn lựa cho thống kê được định nghĩa bởi ISO 3166-1, bao gồm 9 vùng quốc hải Hoa Kỳ.

    Đảo San hô Palmyra là một lãnh thổ hợp nhất của Hoa Kỳ duy nhất trong các đảo.
  • Guam
    Guam (Chamorro: Guåhån ), tên chính thức là Lãnh thổ Guam, là một hải đảo nằm ở miền tây Thái Bình Dương và là một lãnh thổ có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Hoa Kỳ. Người Chamorros, cư dân bản thổ của Guam là nhóm người đầu tiên sinh sống tại hòn đảo khoảng 6.000 năm về trước. Guam là hòn đảo lớn nhất ở vị trí cực nam của Quần đảo Mariana. Thủ phủ của đảo là Hagåtña, trước đây viết là "Agana". Kinh tế của Guam chủ yếu dựa vào du lịch (đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) và các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.

    Guam nằm về phía Tây của Hawaii cách đó 6298 km, về phía Đông của Philippines với khoảng cách 2058 km và 3400 km từ Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
  • Liên bang Micronesia
    Liên bang Micronesia (Federated States of Micronesia) là một đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương, phía đông bắc của Papua New Guinea.

    Quốc gia này là một quốc gia có chủ quyền liên kết tự do với Hoa Kỳ.
  • Palau
    Palau (, phiên âm: "Pa-lao", còn được viết là Belau, Palaos hoặc Pelew), tên chính thức là Cộng hòa Palau (Beluu er a Belau, Republic of Palau), là một đảo quốc ở Tây Thái Bình Dương. Nước này bao gồm gần 250 hòn đảo tạo thành dãy đảo phía tây của quần đảo Caroline thuộc vùng Micronesia, và có diện tích 466 km2. Đảo đông dân nhất là Koror. Thủ đô Ngerulmud của nước này nằm trên đảo Babeldaob gần đó, thuộc bang Melekeok. Palau có biên giới biển giáp với Indonesia, Philippines, và Liên bang Micronesia.

    Những cư dân đầu tiên đến đây vào khoảng 3.000 năm trước từ Philippines và duy trì một cộng đồng Negrito cho đến 900 năm trước. Quần đảo được người châu Âu khám phá lần đầu tiên vào thế kỷ 16, và thuộc về Đông Ấn Tây Ban Nha vào năm 1574. Sau khi người Tây Ban Nha thất bại trong Chiến tranh Tây Ban Nha–Mỹ vào năm 1898, quần đảo được bán cho Đế quốc Đức vào năm 1899 theo những điều khoản trong Hiệp ước Đức-Tây Ban Nha, và được sáp nhập vào New Guinea thuộc Đức. Hải quân Hoàng gia Nhật đánh chiếm Palau trong Thế chiến I, và quần đảo sau đó thuộc về Ủy thác Nam Dương dưới sự cai quản của người Nhật sau theo Hội Quốc Liên. Trong Thế chiến thứ hai, nơi đây là chiến trường diễn ra các cuộc đụng độ giữa người Mỹ và Nhật trong chiến dịch quần đảo Mariana và Palau bao gồm Trận Peleliu quyết định. Sau chiến tranh, cùng với các đảo ảo Thái Bình Dương khác, Palau là một phần của Lãnh thổ Ủy thác Quần đảo Thái Bình Dương do Hoa Kỳ quản lý vào năm 1947. Sau khi bỏ phiếu không tham gia Liên bang Micronesia vào năm 1979, quần đảo có chủ quyền hoàn toàn vào năm 1994 theo Hiệp ước Liên kết Tự do với Hoa Kỳ.
  • Quần đảo Bắc Mariana
    Quần đảo Bắc Mariana, tên chính thức là Thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana (Commonwealth of the Northern Mariana Islands), là một lãnh thổ chưa hợp nhất và thịnh vượng chung của Hoa Kỳ bao gồm 14 đảo nằm trong tây bắc Thái Bình Dương. Quần đảo Bắc Mariana chiếm 14 đảo phía bắc của Quần đảo Mariana. Đảo xa nhất ở phía nam Quần đảo Mariana là Guam cũng là một lãnh thổ khác riêng biệt của Hoa Kỳ. Cả Quần đảo Bắc Mariana và Guam là hai lãnh thổ cực đông nhất của Hoa Kỳ (nằm ở phía tây đường đổi ngày). Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ báo cáo tổng diện tích đất của quần đảo là 463,63 km² (179,01 dặm vuông).

    Dân số của quần đảo là 80.362 (ước tính vào năm 2005). Điều tra dân số chính thức năm 2000 của Hoa Kỳ cho biết con số là 69.221. Cũng lưu ý rằng Quần đảo Mariana có tỉ lệ giới tính nữ so với nam cao nhất thế giới, trung bình cứ 77 nam thì có 100 nữ.
  • Quần đảo Marshall
    Quần đảo Marshall, tên chính thức Cộng hòa Quần đảo Marshall (Aolepān Aorōkin M̧ajeļ), là một đảo quốc nằm gần xích đạo trên Thái Bình Dương, hơn chệch về phía tây Đường đổi ngày quốc tế. Vế mặt địa lý, quốc gia này là một phần của nhóm đảo Micronesia lớn hơn. Dân số Quần đảo Marshall là 53.158 người (thống kê 2011 ), cư ngụ trên 29 rạn san hô vòng, gồm 1.156 đảo và đảo nhỏ. Nước này có biên giới đường biển với Liên bang Micronesia về phía đông, Đảo Wake về phía bắc, Kiribati về phía đông nam, và Nauru về phía nam. Khoảng 27.797 người (thống kê 2011) sống tại Majuro, thủ đô đất nước.

    Người Micronesia đến định cư tại Quần đảo Marshall vào khoảng thiên niên kỷ 2 TCN, họ sử dụng bản đồ bằng que truyền thống. Người châu Âu biết đến nơi này từ thập niên 1520, khi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Alonso de Salazar trông thấy một rạn san hô ở đây năm 1526. Những chuyến viễn chinh của người Anh và người Tây Ban Nha tiếp diễn sau đó. Quần đảo được đặt theo tên nhà thám hiểm người Anh John Marshall, người đã đến đây năm 1788. Người Marshall gọi nơi mình sống là "jolet jen Anij" (Những món quà của Chúa).
  • Samoa thuộc Mỹ
    Samoa thuộc Mỹ (American Samoa; tiếng Samoa: Amerika Sāmoa, cũng gọi là Amelika Sāmoa hay Sāmoa Amelika) là một lãnh thổ chưa hợp nhất của Hoa Kỳ nằm tại Nam Thái Bình Dương, ở phía đông nam của Samoa.

    Samoa thuộc Mỹ gồm năm đảo lớn và hai rạn san hô vòng, đảo lớn nhất và đông dân nhất là Tutuila. Samoa là bộ phận của Quần đảo Samoa, nằm ở phía tây của Quần đảo Cook, phía bắc của Tonga, và cách 300 dặm (500 km) về phía nam của Tokelau. Phía tây của Quần đảo là nhóm Wallis và Futuna.