Đô la New Zealand

Đô la New Zealand
$
Đô la New Zealand (Tiếng Māori: Tāra o Aotearoa, Ký hiệu: $, mã NZD) là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp của New Zealand, Quần đảo Cook, Niue, Tokelau, Lãnh thổ phụ thuộc Ross, và lãnh thổ thuộc Anh quốc, Quần đảo Pitcairn. Nó thường được viết tắt bằng Ký hiệu đô la ($), đôi khi là NZ$ để phân biệt với những nước khác sử dụng đồng Đô la. Trong thanh toán hằng ngày, nó thường được gọi với cái tên ‘’Kiwi’’, có nguồn gốc từ New Zealand liên quan đến tên một loài chim bản địa và đồng xu $1 miêu tả Chim Kiwi.

Từ năm 1967, 1 đô la được chia làm 100 cents. Nó có mười mệnh giá, 5 mệnh giá tiền xu và 5 mệnh giá tiền giấy, nhỏ nhất là đồng 10 cents. Đã từng có những mệnh giá thấp hơn, nhưng đã ngừng phát hành vì lạm phát.

Đô la New Zealand là một trong mười ngoại tệ phổ biến nhất trên thị trường ngoại hối, với 2,1% tổng giá trị thị trường vào tháng 4 năm 2016.

Quốc gia
  • Niue
    Niue là một đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương, thường gọi với biệt danh "Đảo đá Polynesia", và cư dân bản địa trên đảo gọi tắt là "Đảo đá". Niue cách 2.400 km về phía đông bắc New Zealand, trong một tam giác giữa Tonga ở phía tây nam, Samoa ở phía tây bắc và Quần đảo Cook ở đông nam. Diện tích đảo là 260 km² với khoảng 1400 cư dân chủ yếu là người Polynesia. Trong sự tự trị, Niue có liên kết tự do với New Zealand, và có chủ quyền không đầy đủ. Quốc vương Charles III là Nguyên thủ Quốc gia của Niue. Hầu hết quan hệ ngoại giao chịu sự quản lý của New Zealand, nước đại diện cho Niue. Năm 2003, Niue là "quốc gia WiFi" đầu tiên trên thế giới.

    Hiến pháp Niue giao quyền hành pháp cho vương quyền của Quốc vương New Zealand và Toàn quyền New Zealand. Hiến pháp ghi rõ chủ quyền thực tiễn trong các công việc hàng ngày được trao cho Nội các chính quyền Niue, gồm thủ tướng và ba Bộ trưởng khác. Thủ tướng và Bộ trưởng là thành viên của Hội đồng Lập pháp Niue, tương đương với Quốc hội.
  • Quần đảo Cook
    Quần đảo Cook (Tiếng Māori quần đảo Cook: Kūki 'Āirani) (Tiếng Anh: Cook Island) là một nền dân chủ nghị viện tự trị trong liên minh tự do với New Zealand. Mười lăm đảo nhỏ trong quốc gia ở Nam Thái Bình Dương này có diện tích đất liền tổng cộng 240 km² (92,7 sq mi), Khu vực Kinh tế Độc quyền (EEZ) của Quần đảo Cook bao phủ đến 1,8 triệu km² (0,7 triệu dặm vuông) đại dương.

    Trung tâm đông dân nhất là đảo Rarotonga (khoảng 10.572 người vào năm 2011), nơi có một sân bay quốc tế. Cũng có nhiều dân cư quần đảo này sống ở New Zealand, cụ thể là ở Đảo Bắc; trong điều tra năm 2013, 61.839 người tự nhận mình là hậu duệ của người Māori đảo Cook.
  • Tokelau
    Tokelau (IPA: [ˈtəʊkəˌlaʊ]) là một lãnh thổ thuộc chủ quyền của New Zealand. Vùng lãnh thổ này bao gồm các đảo san hô nằm ở phía nam Thái Bình Dương chỉ rộng 10 km² (khoảng 5 dặm vuông). Cũng giống như Tuvalu, cư dân sinh sống chủ yếu ở Tokelau là người Polynesia.

    Trong một thời gian dài, Tokelau chịu sự thống trị của người phương Tây dưới tên gọi Quần đảo Thống nhất. Mãi đến năm 1976, đảo quốc này mới có tên chính thức như ngày nay. Tokelau hiện đang nằm trong danh sách các vùng lãnh thổ không hoàn toàn độc lập của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Theo thống kê gần đây, với 1,5 triệu đô la, nền kinh tế của Tokelau chỉ đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng tổng sản lượng quốc nội (GDP) của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.