Biểu tình tại Hồng Kông 2019–20

Biểu tình tại Hồng Kông 2019–20
Biểu tình tại Hồng Kông năm 2019–2020, còn được gọi là Phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ (反對逃犯條例修訂草案運動), là một loạt các cuộc biểu tình diễn ra từ năm 2019–2020, được gây ra bởi dự luật dẫn độ của chính phủ Hồng Kông nhưng bị rút lại vào tháng 9 năm 2019. Nếu được ban hành, dự luật sẽ cho phép chính quyền địa phương giam giữ và dẫn độ những người bị truy nã ở những vùng lãnh thổ mà Hồng Kông không có thỏa thuận dẫn độ, kể cả Trung Quốc và Đài Loan. Nhiều người lo ngại dự luật sẽ đặt người Hồng Kông và du khách tới Hồng Kông vào phạm vi tài phán của Trung Quốc đại lục do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ.

Mặc dù hàng trăm ngàn người đã tuần hành trong một cuộc biểu tình phản đối dự luật vào ngày 9 tháng 6 nhưng chính phủ vẫn kiên trì với dự luật. Cuộc biểu tình vào ngày 12 tháng 6, ngày dự luật sẽ được đọc lần thứ hai ở Hội đồng Lập pháp, đánh dấu sự leo thang bạo lực mạnh mẽ. Cảnh sát chống bạo động đã triển khai hơi cay và đạn cao su chống lại người biểu tình. Vào ngày 16 tháng 6, chỉ một ngày sau khi Đặc khu trưởng Hồng Kông ra lệnh đình chỉ dự luật, một cuộc tuần hành thậm chí còn lớn hơn đã diễn ra để thúc đẩy việc dự luật phải được rút hoàn toàn và phản ứng với việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức vào ngày 12 tháng 6 trước đó. Khi các cuộc biểu tình tiến triển, những người biểu tình đưa ra năm yêu cầu chính đối với chính phủ về các vấn đề liên quan đến hành vi sai trái của cảnh sát và cải cách dân chủ đã bị đình trệ kể từ Cách mạng Ô dù năm 2014. Các cuộc biểu tình đã tiếp diễn suốt mùa hè, leo thang thành các cuộc đối đầu ngày càng dữ dội, giữa cảnh sát, các nhà hoạt động, thành viên của Hội Tam Hoàng, phe kiến chế và cư dân địa phương ở hơn 20 khu phố khác nhau trong khu vực. Vụ việc cảnh sát không hành động gì khi những người bị nghi ngờ là các thành viên của Hội Tam Hoàng tấn công những người biểu tình và người đi lại ở Nguyên Lãng vào ngày 21 tháng 7 và vụ cảnh sát tràn vào sân ga Thái Tử vào ngày 31 tháng 8 đã làm các cuộc biểu tình tiếp tục leo thang.

Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đình chỉ dự luật dẫn độ vào ngày 15 tháng 6 và tuyên bố dự luật "đã chết" vào ngày 9 tháng 7, nhưng đã không rút lại toàn bộ dự luật cho đến ngày 4 tháng 9. Dự luật chính thức đã được rút vào ngày 23 tháng 10, nhưng chính phủ đã từ chối bốn yêu cầu khác. Để kiềm chế các cuộc biểu tình, Chính phủ Hồng Kông đã viện dẫn Pháp lệnh Quy định khẩn cấp vào ngày 4 tháng 10 để thực thi luật cấm che mặt nhưng bị phản tác dụng. Khi cuộc biểu tình kéo dài, các cuộc đụng độ dần trở nên leo ​​thang khi cả hai bên ngày càng trở nên bạo lực. Số lượng các cáo buộc về cảnh sát cũng tăng lên, với việc Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc cảnh sát đã tra tấn một số tù nhân. Trong khi một số người biểu tình đã khiến cuộc biểu tình trở nên leo thang bằng cách như ném bom xăng và phá hoại các cơ sở của phe thân Bắc Kinh và biểu tượng đại diện cho chính phủ. Không những vậy, những rạn nứt trong xã hội ngày càng lớn với việc các nhà hoạt động từ cả hai phe tấn công lẫn nhau. Cái chết của Châu Tử Lạc và La Trường Thanh, cùng với sự kiện cảnh sát bắn một người biểu tình không vũ trang và bao vây hai trường đại học vào tháng 11 năm 2019 là những sự kiện mang tính bước ngoặt.

Quy mô của các cuộc biểu tình đã lắng xuống sau chiến thắng chưa từng có của phe dân chủ trong cuộc bầu cử Hội đồng quận, cuộc bao vây Đại học Bách khoa Hồng Kông vào tháng 11, và trong đại dịch COVID-19 đầu năm 2020. Giai đoạn này, Chính phủ trung ương đã can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông – vào tháng 5 năm 2020, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn một dự luật an ninh quốc gia có thể được áp đặt đối với Hồng Kông trước tháng 9 năm nay. Đạo luật mới này, được nhiều người coi là mối đe dọa đối với các quyền tự do chính trị và tự do dân sự cơ bản trong vùng lãnh thổ bán tự trị, đã gây ra sự căm phẫn và phản đối. Thậm chí còn khiến cả Mỹ và Anh đánh giá lại chính sách của họ đối với Hồng Kông, mà các nước cho là đã không còn tự chủ.

Chính phủ và cảnh sát có mức độ xếp hạng tín nhiệm thấp nhất kể từ khi chủ quyền Hồng Kông được trao cho Trung Quốc năm 1997 trong các cuộc thăm dò dư luận. Chính phủ trung ương Bắc Kinh đã tuyên bố đây là "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Hồng Kông" kể từ khi chuyển giao chủ quyền Hồng Kông vào năm 1997, và cáo buộc các thế lực ngoại bang đã thúc đẩy các cuộc xung đột, mặc dù phần lớn các cuộc biểu tình đã được mô tả là "không có người lãnh đạo". Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông vào ngày 27 tháng 11 để hỗ trợ các phong trào biểu tình; các cuộc mít tinh đoàn kết được tổ chức tại hàng chục thành phố ở nước ngoài. Còn những người phản đối đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ủng hộ cảnh sát. Trong khi đó, những chiến thuật và cách thức biểu tình đã được cho là nguồn cảm hứng cho các cuộc biểu tình khác vào năm 2019 và 2020.

Quốc gia