Mùa cháy rừng ở Úc 2019–20

Mùa cháy rừng ở Úc 2019–20
Mùa cháy rừng ở Úc năm 2019–20, còn được gọi là Mùa hè Đen, là một giai đoạn cháy rừng dữ dội ở nhiều nơi tại Úc.

Tháng 6 năm 2019, giám đốc Dịch vụ Cứu hỏa và Khẩn cấp Queensland cảnh báo về khả năng mùa cháy rừng bắt đầu sớm, vốn thường diễn ra từ tháng 8. Cảnh báo dựa trên dự báo cháy rừng ở Bắc Úc cho thấy điều kiện cực kỳ khô và độ ẩm của đất thấp, cùng với những đám cháy sớm ở trung tâm Queensland. Trong suốt mùa hè, hàng trăm đám cháy diễn ra, chủ yếu ở phía đông nam của nước này. Các đám cháy lớn đa phần xảy ra trong tháng 12 và tháng 1.

Tính đến tháng 3 năm 2020, các đám lửa đã lan ra hơn 12 e6ha, phá hủy hơn 5.900 tòa nhà (bao gồm 2.779 nhà ở) và giết chết ít nhất 34 người. Gần 3 tỷ cá thể động vật trên cạn – đa số là các loài bò sát – bị ảnh hưởng, và một số loài bị đe dọa được cho là đã tuyệt chủng. Ở đỉnh đám cháy, chất lượng không khí xuống mức nguy hiểm ở tất cả các bang phía nam và đông. Chi phí ứng phó với các đám cháy dự tính sẽ vượt quá con số 4,4 tỷ đô la Úc của cháy rừng Thứ Bảy Đen năm 2009, và doanh thu ngành du lịch giảm hơn 1 tỷ đô la Úc. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính cháy rừng có thể gây thiệt hại tài sản và kinh tế lên đến 103 tỷ đô la Úc, khiến nó trở thành thiên tai gây tổn thất nặng nề nhất lịch sử nước Úc. Gần 80 phần trăm dân số Úc bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đám cháy. Đến ngày 7 tháng 1 năm 2020, đám khói đã di chuyển khoảng 11000 km qua phía nam Thái Bình Dương sang Chile và Argentina. Tính đến ngày 2 tháng 1 năm 2020, NASA ước tính đám cháy rừng đã thải ra 306 triệu tấn CO2.

Từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020, đám cháy tác động đến nhiều vùng của bang New South Wales. Tại phía đông và đông bắc bang Victoria, nhiều mảng rừng lớn bị cháy ngoài tầm kiểm soát suốt bốn tuần trước khi bốc lên vào tháng 12. Nhiều tình trạng khẩn cấp được ban bố khắp New South Wales, Victoria, và Lãnh thổ Thủ đô Úc. Lực lượng viện trợ từ khắp nước Úc được triệu tập để dập lửa và hỗ trợ những đội địa phương đã kiệt sức của New South Wales. Lực lượng Quốc phòng Úc được điều động để hỗ trợ từ trên không trong nỗ lực dập cháy và cung cấp nhân lực và logistics. Lính cứu hỏa, vật tư và thiết bị từ Canada, New Zealand, Singapore, và Hoa Kỳ, cùng một số nước khác, cũng góp phần hỗ trợ ứng phó với cháy rừng, đặc biệt tại New South Wales.

Trong cuộc khủng hoảng sau đó, một máy bay và hai trực thăng rơi trong lúc chữa cháy, với vụ rơi máy bay làm ba người chết. Hai xe cứu hỏa gặp tai nạn gây ra bởi điều kiện của đám cháy, khiến ba lính cứu hỏa thiệt mạng.

Đến ngày 4 tháng 3 năm 2020, tất cả đám cháy ở New South Wales đã được dập tắt (đến mức đó là lần đầu tiên bang không có đám cháy nào kể từ tháng 7 năm 2019), và các đám cháy ở Victoria đều được kiểm soát. Đám cháy cuối cùng của mùa xảy ra tại Lake Clifton, Tây Úc, vào đầu tháng 5.

Đã có nhiều tranh cãi về nguyên nhân dẫn đến mức độ và quy mô của đám cháy, bao gồm vai trò của việc quản lý cháy rừng và biến đổi khí hậu, thu hút sự quan tâm của quốc tế khi vụ cháy đạt đỉnh điểm. Việc các chính trị gia đi thăm những vùng bị ảnh hưởng nhận được phản ứng trái chiều, đặc biệt là Thủ tướng Scott Morrison. Người dân, tổ chức quốc tế, và nhân vật công chúng đã quyên góp số tiền xấp xỉ 500 triệu đô la Úc, cũng như lương thực, quần áo và thức ăn gia súc, cho việc cứu trợ và phục hồi hoang dã.

Đánh giá Biến đổi Khí hậu Garnaut năm 2008 phát biểu rằng:

Để miêu tả những xu hướng cháy rừng mới, nghiên cứu của Lucas đưa ra hai phân loại thời tiết cháy rừng mới, "rất cực đoan" và "thảm khốc".

Tháng 4 năm 2019, một nhóm các cựu lãnh đạo lực lượng chữa cháy của Úc, Lãnh đạo Khẩn cấp cho Hành động Khí hậu, cảnh báo rằng Úc chưa sẵn sàng trước mùa cháy rừng sắp diễn ra. Họ kêu gọi thủ tướng tiếp theo gặp họ nhằm giúp "chỉ ra rằng [...] mối nguy hiểm của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng". Greg Mullins, một lính cứu hỏa lão thành tại New South Wales và là một thành viên của Hội đồng Khí hậu, nói anh e rằng mùa hè sắp tới sẽ là "[mùa hè] tệ nhất tôi từng thấy" với lính cứu hỏa, và kêu gọi chính phủ ứng phó khẩn cấp trước nguy cơ của biến đổi khí hậu.
Quốc gia