Gruzia (, chuyển tự thành Sakartvelo, tiếng Việt đọc là Gru-di-a) là một quốc gia Âu Á tại vùng Kavkaz phía bờ đông biển Đen. Nước này có biên giới phía bắc giáp với Nga, phía nam với Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, phía đông với Azerbaijan. Đây là một quốc gia liên lục địa, nằm tại điểm nối Đông Âu và Tây Á.
Lãnh thổ Gruzia hiện đại ngày nay từng liên tục có người sinh sống từ đầu Thời đồ đá. Trong thời cổ điển các quốc gia giai đoạn sớm được coi là tiền thân dẫn tới sự thành lập nhà nước Gruzia cũng như văn hoá và bản sắc quốc gia nước này là Colchis và Iberia đã nổi lên. Kitô giáo du nhập từ thế kỷ I và đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa quốc gia. Gruzia được thống nhất 2 miền vào thế kỉ 11 và thế kỉ tiếp sau đó bắt đầu thời kì vàng son trong lịch sử đất nước. Gruzia đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và suy tàn cho tới khi bị chia thành nhiều thực thể chính trị nhỏ trong thế kỷ 16. Đế quốc Nga đã dần dần chiếm các vùng đất của Gruzia từ năm 1801 tới 1866. Một nhà nước Cộng hoà Dân chủ Gruzia xuất hiện và tồn tại ngắn ngủi sau Cách mạng Nga 1917 (1918-1921) – sụp đổ sau cuộc xâm lược của những người Bolshevik. Gruzia bị sáp nhập vào Liên bang Xô viết năm 1922. Gruzia giành lại độc lập từ Liên xô năm 1991 và, sau một giai đoạn nội chiến và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tới cuối thập niên 1990 tình hình Gruzia hầu như đã ổn định. Cuộc Cách mạng hồng không đổ máu năm 2003 đã thiết lập một chính phủ cải cách ủng hộ phương Tây và đang có kế hoạch gia nhập NATO cũng như nỗ lực đưa các vùng đất chủ trương ly khai trở lại dưới quyền kiểm soát của Gruzia. Những nỗ lực đó đã làm xói mòn quan hệ với Nga, một phần vì sự hiện diện hiện tại của quân đội Nga. Tới năm 2007, hầu hết các lực lượng vũ trang Nga đã rút đi, căn cứ cuối cùng của Nga tại Batumi dự kiến sẽ rút năm 2008.