Tiếng Phạn

Tiếng Phạn
Tiếng Phạn (Hán-Việt: Phạm/Phạn ngữ, chữ Hán: 梵語; saṃskṛtā vāk संस्कृता वाक्, hoặc ngắn hơn là saṃskṛtam संस्कृतम्) hay tiếng Sanskrit là một cổ ngữ của Ấn Độ còn gọi là bắc Phạn để phân biệt với tiếng Pali là nam Phạn và là một ngôn ngữ tế lễ của các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Phật giáo Bắc Tông và Jaina giáo. Nó có một vị trí quan trọng trong văn hóa Ấn Độ và các văn hóa vùng Đông Nam Á tương tự như vị trí của tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp trong châu Âu Trung Cổ; nó cũng là kết cấu trọng điểm của truyền thống Ấn giáo/Phệ-đà, nhưng ở một mức độ cao cấp hơn. Ngày nay nó là một trong nhiều ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ, mặc dù tiếng Hindi (hindī हिन्दी) và các thứ tiếng địa phương khác ngày càng được dùng phổ biến.

Khác với quan niệm phổ biến, tiếng Phạn không phải là một ngôn ngữ chết. Nó vẫn còn được dạy trong các trường học và tại gia khắp nước Ấn, tuy chỉ là ngôn ngữ thứ hai. Một số người Bà-la-môn vẫn xem tiếng Phạn là tiếng mẹ đẻ. Theo một thông tin gần đây, tiếng Phạn được phục hưng như một tiếng địa phương thực dụng tại làng Mattur gần Shimoga, Karnataka.

Tiếng Phạn phần lớn được dùng như một ngôn ngữ tế tự trong các nghi lễ của Ấn Độ giáo dưới dạng ca tụng và chân ngôn (sa. mantra). Tiền thân của tiếng Phạn cổ là tiếng Phệ-đà (zh. 吠陀, en. vedic sanskrit), một ngôn ngữ được xem là một trong những thành viên cổ nhất của hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, và văn bản cổ nhất của nó là Lê-câu-phệ-đà (zh. 棃俱吠陀, sa. ṛgveda). Bài này nhấn mạnh vào Hoa văn Phạn ngữ như nó được hệ thống hoá bởi Ba-ni-ni (zh. 巴尼尼, sa. pāṇini) vào khoảng 500 trước CN. Hầu hết những bài văn tiếng Phạn được truyền miệng qua nhiều thế kỉ trước khi được ghi lại tại Ấn Độ trong thời kì trung cổ.